Ở bài trước mình và bạn đã biết được Tổng quan về WordPress như thế nào rồi.
Trong bài tiếp theo này, mình sẽ hướng dẫn bạn làm thế nào để đăng bài viết trên WordPress một cách thông thạo nhất.
Cũng sẽ có bạn thắc mắc tại sao mình chưa giải thích các tính năng trong trang quản trị mà vội hướng dẫn cách đăng bài viết mới.
Lý do là vì serie WordPress này tập trung dành cho những người không chuyên về kỹ thuật, cho nên mình sẽ hướng dẫn những thứ gì quan trọng nhất và làm sao để bạn thấy được kết quả gì đó sớm nhất.
Bạn đồng ý với mình không nào?
Làm thế nào để đăng bài viết mới
Hiện tại nếu bạn theo dõi serie ngay từ đầu thì chắc chắn 100% giao diện trang quản trị của bạn đang là tiếng Anh.
Nếu bạn có đổi lại thành tiếng Việt thì bạn hãy đổi lại tiếng Anh để theo dõi bài này trơn tru hơn nhé. Mình sẽ hướng dẫn bạn từng bước một.
Nếu bước nào bạn thành thạo rồi có thể lướt qua để tránh mất thời gian.
- Bước 1: Đăng nhập vào trang quản trị bằng đường dẫn http://localhost:8080/vothanhduy/admin
- Bước 2: Bấm vào Posts ở thanh menu trái và chọn Add New để được dẫn đến trang đăng bài viết mới:
- Bước 3: Bạn nhập các thông tin được đánh số thứ tự như hình sau:
(1): Nhập tiêu đề cho bài viết
(2): Nhập nội dung bài viết. Ở phần này bạn sẽ nhập nội dung bài sao cho hoàn chỉnh nhất.
Bạn được hỗ trợ các tính năng chỉnh sửa bài viết mặc định của WordPress như trên hình. Đây là những tính năng chỉnh sửa bài viết rất cơ bản.
Tuy nhiên bạn chắc chắn sẽ cần nhiều tính năng hơn thế, kiểu như bạn quen dùng Word thì nhìn vào đây thấy sao mà ít tính năng quá, sơ sài quá.
Mình sẽ có 1 bài viết hướng dẫn bạn cài đặt Plugin hỗ trợ nhiều tính năng chỉnh sửa bài viết hơn trong serie này.
- Bước 4: Chọn Format cho bài viết:
Format tức là định dạng của bài viết. Mặc định WordPress hỗ trợ bạn các định dạng phổ biến như sau:
- Standard: Dạng chuẩn
- Aside: Dạng aside
- Image: Dạng hình ảnh
- Video: Dạng video
- Quote: Dạng trích dẫn. Ví dụ trích dẫn câu nói của người nổi tiếng, doanh nhân…
- Link: Dạng liên kết
- Gallery: Dạng gallery
- Audio: Dạng audio
Bạn cứ để mặc định mà không cần chọn các định dạng khác. Và thông thường sẽ rất ít khi bạn chọn định dạng cho bài viết.
Do vậy, để cho gọn gàng hơn trang viết bài của bạn, bạn có thể bấm vào Screen Options (đã hướng dẫn ở bài trước) để ẩn phần Format này đi.
- Bước 5: Chọn Categories:
Category còn được gọi là chuyên mục. Thông thường một bài viết sẽ thuộc một hoặc nhiều chuyên mục nào đó.
Mình lấy ví dụ bạn tạo 1 bài viết về phim hành động, thì bài viết này sẽ thuộc chuyên mục “Phim hành động”.
Ngoài ra, phim này chỉ dành cho người có độ tuổi 18+ thì bạn sẽ tạo thêm 1 chuyên mục nữa là “18+”.
Như vậy bài này sẽ thuộc 2 chuyên mục là “Phim hành động” và “18+”.
Ở phần này, nếu bạn không chọn chuyên mục nào thì mặc định WordPress sẽ tự đưa bài viết của bạn vào chuyên mục có sẵn của nó là Uncategories (tức không có chuyên mục).
Đây là 1 chuyên mục mặc định và bạn không bao giờ có thể xóa được nó.
Mình sẽ hướng dẫn bạn cách tạo 1 chuyên mục ở bài viết khác nằm trong serie này. Còn bây giờ bạn cứ để mặc định không chọn gì cả và bước qua bước 6.
- Bước 6: Nhập tags:
Tags được hiểu là thẻ. Nếu bạn có dùng Facebook thì chắc bạn sẽ biết Hashtag đúng không nào.
Hashtag là một dạng của tag nhưng nó có thêm dấu “#” ở đằng trước. Tag được dùng để phân loại, phân nhóm bài viết một cách chi tiết hơn là Categories.
Mình lấy tiếp ví dụ hồi nãy bạn có 1 bài viết về phim thuộc 2 chuyên mục là phim hành động và 18+ và phim này có Thành Long thủ vai chính.
Vậy bạn sẽ có 1 tag là Thành Long. Hy vọng bạn đã hình dung ra phần nào về tag. Chúng ta bước qua bước 7 nhé.
- Bước 7: Chọn Featured Image cho bài viết:
Featured Image được hiểu là hình đại diện của bài viết.
Hình đại diện rất quan trọng trong việc cho người đọc biết được nội dung chính của bài viết hiện tại nói về vấn đề gì.
Ngoài ra, khi bạn chia sẻ bài viết lên các mạng xã hội (như Facebook,…) thì hình đại diện sẽ được hiển thị đi kèm với status mà bạn chia sẻ.
Và để chọn hình đại diện, bạn bấm vào Set featured image. Sau đó bạn sẽ thấy như hình sau:
Bạn bấm vào nút Select Files và chọn hình ảnh muốn làm đại diện. Sau khi upload xong, bạn bấm vào nút Set featured image.
Như vậy bạn đã chọn xong hình đại diện bài viết và hoàn thành bước 7.
- Bước 8: Đây là bước cuối cùng. Bước này nhẹ nhàng nhất và nhanh gọn nhất. Bạn chỉ việc bấm nút Publish để đăng bài viết lên web:
Lời kết
Như vậy trong bài này mình đã hướng dẫn bạn cách tạo mới 1 bài viết và đăng nó lên web một cách trực quan và dễ dàng nhất.
Ở bài tiếp theo mình sẽ ví dụ thực tế 1 bài viết có tiêu đề, nội dung đàng hoàng và đầy đủ để bạn hình dung chi tiết hơn.
Và mình tin chắc rằng bạn sẽ làm được và thuần thục 1 cách nhanh chóng.
Còn bây giờ bạn hãy tạm dừng đọc bài viết tiếp theo mà xem lại kỹ nội dung mình vừa trình bày.
Bạn tin mình đi, chắc chắn qua bài tiếp theo bạn sẽ làm nhanh hơn rất nhiều.
Tips: Tổng hợp top 15 khóa học miễn phí về Kinh doanh online, Digital Marketing, MMO tại nền tảng KTcity