Heyzo, xin chào bạn.
Bạn đang xem bài viết đầu tiên trong chuỗi serie bài viết hướng dẫn tự làm website bằng WordPress cơ bản A – Z mà không cần phải biết lập trình.
Mình là Võ Thanh Duy – là người tạo ra blog này và cũng là người chia sẻ với bạn tất cả các kiến thức và kinh nghiệm làm website WordPress suốt hơn 7 năm qua.
Tới thời điểm hiện tại khi viết bài này, có thể bạn đã từng nghe qua WordPress rất nhiều ở ngoài kia vì WordPress không còn quá xa lạ như cách đây 10 năm trước nữa.
Tuy nhiên, rất nhiều bạn gặp nhiều khó khăn khi bắt đầu tìm hiểu WordPress để làm 1 website phục vụ cho mục đích của mình.
Lý do chỉ vì có quá nhiều tài liệu, video, khóa học tràn lan đại hải về WordPress trên mạng.
Serie này nói riêng, cũng nhưng mục đích của blog này được lập ra sẽ cung cấp kiến thức cần thiết nhất và đơn giản nhất để làm 1 website WordPress hoàn chỉnh.
Và bạn chỉ cần xem và thực hành các nội dung tại blog này mà không cần phải đi đâu khác.
WordPress là gì?
WordPress là một phần mềm mã nguồn mở (tiếng Anh gọi là Open source software) được viết bằng ngôn ngữ lập trình PHP và sử dụng hệ quản trị cơ sở dữ liệu MySQL.
PHP và MySQL cũng là bộ đôi thông dụng nhất khi nói về lập trình website trên toàn thế giới.
Ngày 27/05/2003, WordPress được ra mắt lần đầu tiên bởi 2 tác giả là Matt Mullenweg và Mike Little.
Hiện tại công ty Automatic đang sở hữu WordPress và liên tục được phát triển mạnh mẽ bởi công ty này và cộng đồng đông đảo trên thế giới.
Automatic có trụ sở tại San Francisco, California.
Từ hồi mới ra mắt lần đầu tiên, người ta biết đến WordPress thông qua việc nó phục vụ cho việc tạo blog cá nhân và ngay sau đó được đông đảo người dùng ủng hộ nhiệt tình bởi nó rất dễ sử dụng và cực kỳ nhiều tính năng phải nói là vô cùng hữu ích.
Càng ngày số lượng người dùng tăng lên nhanh chóng.
Cùng với việc đó những lập trình viên cũng tham gia vào việc phát triển mã nguồn WordPress càng ngày càng đông.
Đến thời điểm hiện tại thì WordPress được xem là 1 hệ quản trị nội dung (tức là CMS – Content Management System) và không chỉ dừng lại ở việc tạo blog mà WordPress còn được biết đến rộng rãi hơn khi có thể tạo được website tin tức, website doanh nghiệp, website bán hàng – thương mại điện tử, thậm chí là các loại website phức tạp đã có trên thế giới.
Chúng ta có thể thấy những website có quy mô vừa và nhỏ đều có thể triển khai trên nền tảng WordPress.
7 lý do kinh điển vì sao bạn nên chọn WordPress
Khi bắt đầu tìm hiểu thứ gì mới, thứ mình nghĩ bạn sẽ cần trước tiên không phải là kiến thức, tài liệu mà là động lực.
Hay nói đơn giản hơn là lý do tại sao tôi nên chọn WordPress để làm web mà không chọn nền tảng khác.
Khi lý do đủ lớn thì mình tin chắc bạn sẽ theo đuổi nó đến cùng mà không thứ gì cản trở bạn.
Và sau đây là 7 lý do:
Cực kỳ dễ sử dụng
Suy cho cùng WordPress được ra đời và phát triển để phục vụ bạn, tức là người dùng.
Cụ thể là hơn là phục vụ cho người dùng để làm blog và website.
Cho nên chúng ta có thể hình dung đối tượng sử dụng WordPress rất nhiều nhưng bao gồm luôn cả người dùng phổ thông, không có chuyên môn về lập trình hay kỹ thuật gì cao siêu cả.
Điều đó cho thấy các thao tác trong WordPress cực kỳ đơn giản và trực quan giúp bạn làm chủ được nó trong thời gian rất ngắn.
Ở đây mình không nói cụ thể mất bao nhiêu thời gian mới làm chủ được WordPress vì mỗi bạn mỗi hoàn cảnh, kỹ năng khác nhau.
Ngoài ra, cách cài đặt WordPress cũng hết sức đơn giản để bạn có thể tự cài trên hosting mua từ các nhà cung cấp chỉ sau vài phút.
Cộng đồng hỗ trợ đông đảo
Có thể nói WordPress đi đâu cũng thấy.
Khi bạn gặp khó khăn gì liên quan đến WordPress, chỉ cần mở Google, gõ từ khóa là ra hàng loạt kết quả.
Cho tới thời điểm này, mình chưa bao giờ thất vọng khi dùng WordPress nếu không có ai hỗ trợ lúc khó khăn.
Tại sao lại như vậy?
WordPress là mã nguồn CMS mở phổ biến nhất thế giới, do vậy bạn sẽ được cộng đồng người sử dụng WordPress giống bạn hỗ trợ bạn khi gặp khó khăn trong quá trình sử dụng.
Năm 2015, anh Thạch Phạm (tên đầy đủ là Phạm Ngọc Thạch) đã phát triển website thachpham.com thành 1 nguồn hướng dẫn sử dụng WordPress cực kỳ tốt và hữu ích.
Bạn nào dùng WordPress ở Việt Nam chắc không thể không biết anh Thạch.
Năm 2018, blog của mình tuy đi sau nhưng mình tự tin với kinh nghiệm tương đối cũng sẽ đóng góp cho cộng đồng những chuỗi bài sâu sắc và thú vị về mã nguồn WordPress này.
À mình xin lưu ý quan điểm của mình trong các serie WordPress đều tập trung cho người không biết lập trình nhé.
“Tự làm website không cần biết lập trình” là câu khẩu hiệu của mình.
Hàng loạt giao diện website chuyên nghiệp miễn phí
Bản thân WordPress có các giao diện mặc định có sẵn sau khi cài đặt. Tuy nhiên, giao diện mặc định lại quá đơn giản tới mức bạn nhìn vào thấy chán luôn.
Thực sự là vậy. Nếu WordPress không có sẵn kho giao diện miễn phí chắc mình cũng sẽ rất dè chừng sử dụng mã nguồn này.
Tại sao mình lại nói vậy?
Chủ trương của mình là sẽ không đụng đến lập trình mà đã thiết kế giao diện website thì ít nhất bạn cũng phải biết lập trình hoặc chỉnh sửa mã code HTML, CSS.
Tuy nhiên điều may mắn là hệ thống giao diện (miễn phí lẫn trả phí) của WordPress cực kỳ phong phú và cài đặt dễ dàng.
Bạn hoàn toàn thay đổi giao diện mặc định của WordPress chỉ trong vòng 1 phút (nói đùa thôi chứ mình đoán chắc bạn sẽ dành cả 30 phút để ngắm kho giao diện miễn phí của nó đấy).
Nếu bạn chưa tin vào các giao diện làm sẵn dành cho WordPress đẹp như thế nào, hãy ghé thử ThemeForest, MyThemeShop, Theme-Junkies,…
Hoặc bạn có thể xem các giao diện WordPress miễn phí tại thư viện WordPress.org.
Plugins đa dạng, nhiều lập trình viên Việt Nam phát triển và bán trên thế giới
Plugin là 1 thành phần cài đặt thêm vào WordPress để gia tăng sức mạnh cho WordPress bên cạnh sử dụng những tính năng mặc định của nó.
Ví dụ, bạn muốn sử dụng Email marketing tích hợp với WordPress thì dùng GetResponse, MailChimp,… hoặc làm web bán hàng thì dùng Woocommerce.
Giống như giao diện, plugin miễn phí cũng có, và trả phí cũng có.
Mình xin bật mí 1 bí mật với các bạn sau 1 quá trình dài làm WordPress, đó là: hơn 95% các plugin bạn sẽ cần là MIỄN PHÍ.
Chỉ 5% còn lại bạn mới phải mua thôi. Tuy nhiên, biết đâu mục đích sử dụng bạn đơn giản nên cũng chẳng phải mua làm gì cho tốn kém.
Thân thiện với lập trình viên
Mình xuất phát điểm là một lập trình viên nên rất hiểu rõ điều này.
Vì WordPress là mã nguồn mở cho nên bản thân nó cho phép bất cứ lập trình viên nào cũng can thiệp vào sâu trong mã nguồn để tùy biến và phát triển theo nhu cầu sử dụng của mỗi người.
Đối với lập trình viên mới vào nghề cũng dễ tiếp cận với lập trình WordPress vì bạn chỉ cần học các ngôn ngữ thông dụng như HTML, CSS, PHP, MySQL là làm chủ được WordPress rồi.
Ngoài ra, tài liệu chính thống dành cho lập trình viên WordPress cũng rất đầy đủ, dễ đọc, dễ học, cùng với cộng đồng lập trình viên WordPress trên toàn thế giới hỗ trợ bất cứ câu hỏi nào khi gặp khó khăn là 1 điều quá tuyệt vời với lập trình viên như mình ngày xưa.
Giờ thì mình không còn lập trình nữa.
Hỗ trợ đa ngôn ngữ
Cho đến hiện tại WordPress hỗ trợ rất nhiều ngôn ngữ phổ biến trên thế giới, trong đó có tiếng Việt.
Bạn hoàn toàn dễ dàng tự dịch giao diện hay plugins dễ dàng bằng các plugin hỗ trợ khác sao cho phù hợp với bạn nhất.
Có thể làm nhiều loại website khác nhau, từ nhỏ tới lớn
Năm 2003 lúc mới ra đời, nói đến WordPress thì người ta nói nó dùng để làm blog cá nhân.
Tuy nhiên, chuyện đó là xưa lắm rồi.
Bây giờ WordPress làm được cả web bán hàng, web doanh nghiệp, và các web phức tạp như web cho thuê khách sạn, thương mại điện tử… .
Để làm được các website phức tạp hơn mình sẽ ra mắt serie riêng biệt nhưng trước mắt bạn phải làm chủ serie cơ bản này đã nhé.
Những quan điểm sai lệch khi nhìn nhận về WordPress
Thực ra, người trong cuộc dùng WordPress rồi, dùng lâu năm cũng có nhiều nhưng mục đích dùng của mỗi người rất khác nhau.
Vì thế, đôi khi chúng ta nói về WordPress là đang nói về “WordPress của nhà mình” chứ chưa hẳn là “WordPress của nhà người ta”.
Do vậy, bạn sẽ dễ dàng thấy ở ngoài thế giới có những quan điểm sai lệch khi nhìn nhận về WordPress như sau:
WordPress là “bá” nhất thế giới. WordPress làm được hết, cái gì cũng làm được
Nếu bạn chưa bao giờ làm thì chỉ có thể “chém gió như đúng rồi”. Trên thực tế, không có mã nguồn nào tự xưng là mạnh nhất thế giới.
Và mình dám khẳng định 100% trên thế giới không bao giờ có loại mã nguồn nào như vậy cả.
Với WordPress, bạn hoàn toàn làm được các loại website phức tạp như mình đã chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải bạn click chuột vài ba phát là có ngay để dùng. Không hề có chuyện dễ như ăn cháo nhé.
Thực tế bạn phải hiểu cực kỳ sâu bên trong WordPress để tùy biến theo đúng nhu cầu của mình vì nhu cầu mỗi người khác nhau.
Bạn thích ăn hủ tiếu, cũng không có nghĩa là người khác thích ăn hủ tiếu.
Tuy nhiên, đa số các loại hình website thông dụng bạn chỉ cần thao tác click chuột là làm được, chứ không nhất thiết phải đụng đến lập trình.
Và chắc chắn 100% là bạn cần nhiều thời gian để hiểu hơn về WordPress. Đó cũng là 1 trong những lý do serie cơ bản này được ra mắt cộng đồng.
Không biết lập trình web thì đừng có mơ dùng WordPress
Điều này mình xác định là sai 100% nhé.
Bạn nên hiểu WordPress sinh ra là cho người dùng dễ sử dụng nhất để tạo blog/web cá nhân.
Chứ mục tiêu ban đầu của nó sinh ra không phải cho dân lập trình lao đầu vô ngồi code các kiểu.
Mọi sản phẩm ra mắt đều hướng đến một hoặc nhiều đối tượng.
Và người không biết lập trình mà muốn tự làm website cũng là 1 đối tượng chủ yếu mà WordPress hướng đến.
Bạn hoàn toàn có thể làm chủ được cách sử dụng WordPress mà không phải đi học lập trình.
Tạm kết
Nội dung giới thiệu tổng quan về WordPress như vậy cũng đã dài rồi.
Mình rất cám ơn bạn đã bỏ thời gian nãy giờ để đọc đến những dòng cuối cùng này.
Tóm lại thì kết quả mình và cũng như bạn mong muốn là có lý do đủ lớn để học sử dụng WordPress và tự làm website cho mình mà không cần phải biết lập trình.
Mong là bạn đã tìm được động lực với WordPress cho riêng mình. Thôi chào tạm biệt và hẹn gặp lại bạn ở bài tiếp theo nhé.
Xem tiếp bài 3: Nên chọn WordPress.com, WordPress.org hay Blogger để làm website?