Dự báo những năm sắp tới Affiliate Marketing sẽ ngày càng phổ biến và phát triển mạnh mẽ, vượt trội.
Đây chính là cơ hội có 1 – 0 – 2 để bạn “dấn thân” vào Affiliate Marketing để tạo thu nhập hoặc xây dựng cho mình 1 business online là điều hoàn toàn khả thi.
Mình sẽ không giải thích về Affiliate marketing là gì nữa vì mình đã viết 1 bài “khá dài” về nó rồi. Hãy đọc lại bài viết này tại đây.
Để hỗ trợ các bạn newbie (người mới) trong việc tra cứu, cũng như tìm hiểu các thuật ngữ trong Affiliate maketing thường gặp thì mình tổng hợp thành bài viết này.
Lưu ý: Mình sẽ giải thích các định nghĩa, khái niệm 1 cách đơn giản nhất để bạn dễ hiểu chứ không phải là những từ ngữ chuyên ngành khô cứng và hàn lâm nhé!
Domain
Domain nghĩa là tên miền – chính là địa chỉ mà người dùng gõ vào trên công cụ tìm kiếm Google. Ví dụ để truy cập blog mình thì bạn sẽ gõ trên Google là “vothanhduy.com”. Đây chính là domain.
Bạn hình dung tên miền giống như bảng số nhà gắn trước cửa nhà bạn. Tên miền sẽ được kết nối với hosting. Khi bất kỳ ai truy cập tên miền thì trang web của bạn sẽ hiển thị.
Phổ biến nhất là tên miền có đuôi .COM, sau đó là .NET. Ở Việt Nam thì có đuôi .VN, .EDU.VN,… . Việc chọn tên miền phải có chiến lược cụ thể chứ không phải chọn đại cho có.
Mình sẽ viết riêng 1 bài về cách chọn lựa tên miền sau nhé.
Hosting
Hosting là nơi lưu trữ website của bạn. Hiểu đơn giản nếu domain là bảng số nhà thì hosting chính là mảnh đất để xây nhà. Còn căn nhà chính là website. Do vậy để xây dựng website thì bạn phải có hosting.
Hiện có rất nhiều nhà cung cấp hosting cả tại Việt Nam và trên thế giới. Có cả miễn phí lẫn trả phí. Mình xài qua rất nhiều hosting miễn phí thì không có hosting nào tốt cả. Nên mình khuyên bạn đừng mất thời gian cho hosting miễn phí.
Nếu bạn xác định làm Affiliate Marketing một cách nghiêm túc thì bạn hãy đăng ký hosting trả phí nhé.
Affiliates
Thuật ngữ này ít dùng và được thay thế bằng tên gọi là publisher (gọi tắt là pub) – đây là những người tạo thu nhập dưới hình thức Affiliate marketing, quảng bá sản phẩm người khác và nhận lại hoa hồng.
Những người affiliates này sẽ đăng ký chương trình Affliate marketing từ affiliate network hoặc trực tiếp từ advertisers và bắt đầu quảng bá sản phẩm.
Advertisers
Còn được gọi là vendors hoặc merchants. Họ là những người có sản phẩm hoặc tạo ra sản phẩm và họ muốn quảng bá sản phẩm của mình dưới hình thức Affiliate marketing.
Advertisers có đội ngũ, nguồn lực mạnh sẽ xây dựng hệ thống affiliate riêng (ví dụ như Shopee,…).
Nhóm advertisers còn lại có ít nguồn lực hơn hoặc đơn giản là họ chỉ muốn làm việc thông qua Affiliate networks.
Affiliate networks
Một số tài liệu còn gọi là affiliate marketplace. Đây là những tổ chức chuyên biệt về Affiliate marketing.
Họ chính là cầu nối giữa publisher (người quảng bá sản phẩm) và advertiser (người có hoặc tạo ra sản phẩm).
Công việc của họ là “đứng trung gian” giúp advertiser đưa sản phẩm lên affiliate network và tạo mọi điều kiện thuận lợi để publisher quảng bá chúng dễ dàng. Tức là publisher sẽ truy cập vào affiliate network, lựa chọn sản phẩm muốn quảng bá, đăng ký và bắt đầu quảng bá sau khi được duyệt.
Cuối cùng, sau khi publisher quảng bá sản phẩm thành công thì affiliate network sẽ thu tiền của advertiser để trả lại hoa hồng cho publisher.
Tất nhiên việc của affiliate network là phải đảm bảo đối soát dữ liệu, thống kê, xử lý gian lận và thanh toán hoa hồng.
Private affiliate program
Gọi tắt là aff program. Như mình đã nói ở mục (3), một số advertiser hoàn toàn xây dựng riêng hệ thống affiliate marketing mà không phụ thuộc vào bất kỳ network nào cả.
Private affiliate program chính là chương trình affiliate do những advertiser này tạo ra. Và bạn muốn làm affiliate với họ thì đăng ký trực tiếp chứ không cần thông qua affiliate network.
Thông thường những chương trình này có hoa hồng cao hơn vì họ không phải chi trả cho affiliate network.
Tuy nhiên bạn hãy cẩn thận tránh va vào những chương trình không uy tín nhé.
Affiliate link
Gọi tắt là aff link. Đây đơn giản là 1 đường link để bạn quảng bá sản phẩm và để hệ thống ghi nhận hoa hồng cho bạn nếu quảng bá thành công.
Cụ thể là khi khách hàng bấm vào affiliate link của bạn, sau đó họ đăng ký, điền form, mua hàng… hoặc làm bất cứ hành động gì mà advertiser yêu cầu thì bạn sẽ có hoa hồng.
Affiliate ID
Gọi tắt là aff ID. Đây giống như là 1 định danh duy nhất cho bạn trong 1 hệ thống affiliate marketing. ID này có thể bao gồm cả số và ký tự hoặc 1 trong 2.
Mỗi publisher sẽ có ID khác nhau để hệ thống dễ dàng phân biệt được và tính hoa hồng cho người nào quảng bá sản phẩm thành công.
Thường thì khi bạn tạo affiliate link thì hệ thống tự động gắn ID vào trong link nên bạn chỉ việc copy link đó và quảng bá thôi.
Tuy nhiên một số network thì còn khá “thủ công”. Bạn sẽ lấy link sản phẩm muốn quảng bá và chèn ID vào trong link đó theo hướng dẫn của network.
Affiliate Manager
Vài network gọi tắt là AM. Gọi là manager vậy thôi chứ thật ra chức vụ của AM giống như 1 nhân viên.
Họ làm việc trong các công ty của advertiser để tư vấn, trả lời các câu hỏi liên quan đến affiliate, cách thức quảng bá và thông tin sản phẩm, thanh toán, hoa hồng…. cho publisher.
Như trước đây mình mới bắt đầu với affiliate thì mình chat với AM khá nhiều để hỏi và nhờ họ support các vấn đề liên quan như các sản phẩm tiềm năng, hình thức quảng bá nào phù hợp với riêng bạn… .
Commission
Là số tiền hoa hồng mà bạn sẽ nhận được khi có khách hàng thực hiện hành động chuyển đổi mà advertiser muốn thông qua link affiliate của bạn.
Mỗi chương trình affiliate khác nhau sẽ có mức hoa hồng khác nhau. Hoa hồng sẽ tính theo % hoặc số tiền cụ thể.
Để xem được mức hoa hồng cụ thể mà bạn nhận được, hãy truy cập vào trang quản lý chiến dịch của Affiliate network hoặc của affiliate program cụ thể mà bạn đang quảng bá.
Physical Product
Physical product tức là sản phẩm vật lý, sản phẩm mà bạn dễ dàng cầm, nắm được. Ví dụ như chai sữa rửa mặt, hộp kem trị mụn… .
Thông thường thì hoa hồng sản phẩm vật lý sẽ thấp hơn của sản phẩm số (Digital product). Nhưng bù lại sức mua sản phẩm vật lý là cực lớn, và có chu kỳ lặp lại cao.
Digital Product
Digital product là sản phẩm kỹ thuật số (gọi tắt là sản phẩm số) – là sản phẩm bạn có thể sử dụng trên máy tính. Ví dụ như: khóa học online, phần mềm quản lý bán hàng, phần mềm học tiếng Anh,… .
Ưu điểm của sản phẩm số là tạo ra 1 lần nhưng bán cho nhiều khách hàng. Ngoài ra hoa hồng của sản phẩm số khá cao, thông thường sẽ trên 30%. Một số sản phẩm có khi hoa hồng tới 100%.
Promote Method
Là hình thức quảng bá sản phẩm. Có rất nhiều cách quảng bá sản phẩm khác nhau và tùy vào loại sản phẩm mà bạn chọn để làm affiliate. Ví dụ với sản phẩm vật lý do đặc điểm hoa hồng thấp nên SEO là hướng tiếp cận tốt.
Những sản phẩm số hoa hồng cao hơn thì bạn có thể lựa chọn chạy quảng cáo Facebook Ads, Google Ads… để tối đa hóa hoa hồng bạn kiếm được.
Payment Method
Là phương thức thanh toán mà các chương trình affiliate hoặc affiliate network trả cho bạn. Tức là họ sẽ thanh toán cho bạn qua kênh nào, thời gian nào.
Ở nước ngoài thì thường dùng Paypal hoặc Payoneer để nhận thanh toán.
Advertising Network
Advertising Network – gọi tắt là Ads Network, là các công ty cung cấp mạng quảng cáo. Trên môi trường online, khi bạn cần quảng cáo sản phẩm đến với đối tượng khách hàng mục tiêu mà bạn nhắm chọn thì bạn cần tìm các Ads Network để chạy quảng cáo bên cạnh việc làm SEO hoặc các hình thức khác.
Trên thế giới có 2 Ads Network lớn nhất đó là Facebook Ads và Google Ads (tên cũ trước đây là Google Adwords).
Search Network
Search Network còn gọi là mạng tìm kiếm – là 1 hình quảng cáo của Advertising Network. Nghĩa là khi khách hàng lên Google hoặc các công cụ tìm kiếm khác để tìm 1 từ khóa gì đó, quảng cáo của bạn sẽ hiển thị cùng với kết quả tìm kiếm tự nhiên khác.
Ví dụ như bạn lên Google, gõ từ khóa là “áo thun đồng phục” thì 4 kết quả đầu tiên hoặc 3 kết quả cuối cùng có chữ “Quảng cáo” hoặc “Ads” là quảng cáo của Google.
Display Network
Display Network (còn gọi là mạng hiển thị) là 1 hình thức quảng cáo của các Advertising Network – nghĩa là quảng cáo của bạn sẽ hiển thị trên các website, ứng dụng… mà người dùng đang truy cập.
Những website, ứng dụng này phải được các Advertising Network cho phép thì quảng cáo của bạn mới hiển thị. Các Advertising Network lớn như Facebook, Google đều có hình thức quảng cáo này.
Trên Facebook, cứ mỗi lần bạn lướt Newsfeed mà thấy bài post có chữ “Sponsored/Được tài trợ” chính là quảng cáo Display Network từ Facebook Ads. Bên Google Ads thì có hình thức quảng cáo là Google Display Network (GDN).
Bid
Bid nghĩa là giá thầu trong khâu chạy quảng cáo trên các nền tảng như Google, Facebook, Tiktok, Zalo… . Ngay cả Shopee cũng có nền tảng chạy quảng cáo riêng của họ. Bid là số tiền bạn trả cho 1 lượt nhấp chuột hoặc hiển thị vào quảng cáo.
Có 2 kiểu bid phổ biến, đó là:
- CPC (cost per click): chi phí bạn phải trả cho 1 cú click vào quảng cáo của khách hàng
- CPM (cost per impression): chi phí bạn phải trả cho 1000 lượt hiển thị quảng cáo (bất kể khách hàng có click quảng cáo hay không thì bạn vẫn phải trả chi phí này)
SEO
SEO là viết tắt của Search Engine Optimization – nghĩa là tối ưu hóa website của bạn cho cả người dùng lẫn công cụ tìm kiếm (đặc biệt là Google).
Khi bạn làm SEO tốt, nó sẽ giúp website của bạn lên TOP khi người tìm kiếm từ khóa trên Google.
Đối với người làm Affiliate Marketing như mình và bạn thì SEO là 1 kỹ năng bắt buộc và nó theo suốt bạn đến khi không còn làm AM nữa.
Bất kể bạn có ngân sách marketing lớn hay nhỏ, thậm chí là 0đ (lấy công làm lời) thì vẫn phải làm SEO vì doanh số Affiliate đến từ Google là vô cùng lớn.
Content Marketing
Content marketing là 1 hình thức marketing đánh trọng tâm vào việc sản xuất và truyền tải nội dung. Khi khách hàng đọc nội dung của bạn, họ sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin, từ đó thuyết phục khách hàng ra quyết định mua hàng dễ hơn, nhanh hơn.
Thay vì bạn nói thì bạn sẽ viết. Nội dung là thứ mà bạn chỉ sản xuất 1 lần nhưng nó tồn tại mãi mãi và dễ lan truyền với tốc độ rất nhanh.
“Content is King” – nội dung là vua, đến thời điểm hiện tại thì điều này vẫn cực kỳ đúng.
Landing Page
Còn gọi là trang đích hay trang bán hàng. Bản chất của landing page là 1 trang duy nhất, nhằm phục vụ 1 hành động cụ thể duy nhất.
Bạn phải nhớ landing page là 1 trang và mọi điều hướng người dùng sẽ nằm trong chính trang đó. Landing page khác với website (chứa nhiều trang) nhé.
Mọi affiliate link khi khách hàng click vào đều điều hướng đến landing page.
Link cloaking
Link cloaking nghĩa là rút gọn link affiliate của bạn. Thông thường các link affiliate được tạo ra bởi Affiliate Network rất loằng ngoằng. Tâm lý khách hàng rất sợ bấm vào những liên kết này vì họ nghĩ là link chứa virus.
Do vậy mà bạn cần phải rút gọn link cho chuyên nghiệp. Tuy nhiên một số Affiliate Network không cho bạn áp dụng cloaking, như Amazon vì họ cần đo lường kỹ lưỡng hơn traffic từ phía khách hàng.
Cookie
Cookie hiểu đơn giản là 1 file được tạo ra nhằm lưu trữ thông tin duyệt web của khách hàng. Nhờ có cookie mà Affiliate Network biết được hoa hồng nào sẽ được tính cho bạn.
Khi khách hàng bấm vào affiliate link, trình duyệt sẽ lưu lại cookie trên máy tính của khách hàng. Thời gian cookie tồn tại sẽ tùy vào chiến dịch bạn tham gia.
Nếu cookie lưu 60 ngày thì nếu khách hàng click vào link affiliate mà không mua ngay, đến ngày thứ 50 (tức vẫn nhỏ hơn 60) họ lại mua hàng thì hoa hồng vẫn được tính cho bạn. Nhưng lưu ý là khách hàng đó chưa click vào link affiliate của người nào khác ngoài bạn nhé.
Cookie stuffing
Đây là thủ đoạn gian lận cookie. Khi khách hàng vào website của ai đó, affiliate link sẽ tự động chạy luôn mà không cần khách hàng click vào link. Tất nhiên bạn rất khó nhận biết vì nó chạy ngầm và tự động tắt rất nhanh hoặc chỉ hiển thị 1 popup nhỏ.
Lúc này khách hàng không cần bấm link affiliate để mua hàng mà vào thẳng trang bán hàng để mua thì hoa hồng vẫn tính cho bạn (vì cookie đã lưu vào máy tính khách hàng trước đó rồi).
Tuy nhiên, thủ đoạn thì là xấu. Hầu hết các Affiliate Network đều có khả năng phát hiện Sookie Stuffing và tài khoản người nào gian lận sẽ bị cấm thanh toán.
Last click
Last click là cơ chế lượt click cuối cùng. Nghĩa là cùng 1 khách hàng lần thứ nhất click vào link affiliate của bạn nhưng không mua hàng, sau đó họ click vào link affiliate của người khác và lần này thì họ mua hàng. Lúc này hoa hồng sẽ tính cho người thứ 2 chứ không phải là bạn.
CPA (Cost Per Action)
CPA là chi phí bạn bỏ ra để có được 1 hành động cụ thể có giá trị từ phía khách hàng. Hành động này do Affiliate Network định nghĩa chứ không phải bạn tự định nghĩa nhé.
Hành động này có thể là điền form, hoàn thành khảo sát, mua hàng…
Pay Per Sale (PPS)
PPS nghĩa là bạn sẽ được trả tiền cho mỗi đơn hàng thành công. Đây là 1 loại chiến dịch Affiliate Marketing bạn thường thấy ở các Affiliate Network.
Khách hàng click vào link affiliate của bạn, sau đó họ thực hiện thanh toán thành công và được xác thực sau đó thì bạn có hoa hồng.
CPS (Cost Per Sale)
Là chi phí mà bạn bỏ ra để có được 1 đơn hàng thành công. Đôi khi bạn sẽ nhầm lẫn PPS và CPS. PPS là nói về hình thức chiến dịch Affiliate, còn CPS là nói về chi phí bạn bỏ ra để có được 1 đơn hàng thành công.
Cost Per Lead (CPL)
CPL là chi phí mà bạn bỏ ra để có được 1 lead. Lead nghĩa là data khách hàng, bao gồm họ tên, email, SĐT… . Trong chiến dịch CPL thì khi có khách hàng điền thông tin cá nhân thông qua link affiliate của bạn thì bạn sẽ có hoa hồng.
Tuy nhiên, thông tin được đội ngũ telesales kiểm chứng là hợp lệ (tức là người đó có điền form thật và có nhu cầu) thì bạn mới có hoa hồng nhé.
Earn Per Click (EPC)
Đây là chỉ số rất quan trọng trong Affiliate mà hầu hết các Affiliate Network đều cho bạn thấy con số này ở mỗi chiến dịch cụ thể.
Ý nghĩa của EPC là trung bình với mỗi lượt click vào link affiliate của khách hàng thì bạn kiếm được bao nhiêu tiền.
Conversion Rate
Conversion Rate (CR) là tỷ lệ chuyển đổi từ 1 hành động A sang hành động B, đơn vị tính là %. Ví dụ trong Affiliate, có 100 người click vào link Aff của bạn và có 10 người mua hàng thành công thì CR là 10%.
Hành động chuyển đổi là bất kỳ hành động nào mà bạn cho là có giá trị với bạn chứ không nhất thiết là phải mua hàng thành công. Nó có thể là hành động click vào link, điền form, bấm nút Call Hotline chẳng hạn.
Coupon
Là mã giảm giá. Mã này được advertiser cung cấp để thúc đẩy chương trình, chiến dịch affiliate nhằm tạo ra nhiều doanh số hơn.
Tùy vào chương trình affiliate cụ thể thì khách hàng sẽ có 1 đường link affiliate riêng biệt. Khi họ click vào thì mã giảm giá tự động áp dụng luôn. Cũng có chương trình khách hàng khi khách hàng click vào link và nhập mã thì mới được giảm.
Coupon có thể là giảm theo % dựa trên giá sản phẩm hoặc là giảm cụ thể là bao nhiêu tiền.
Custom coupon
Custom coupon tức là mã giảm giá tùy chỉnh. Khi bạn tham gia làm affiliate cho bên nào đó, nếu bạn làm tốt và được họ ghi nhận thì khả năng họ sẽ tạo cho bạn mã giảm giá đặc biệt chỉ dành riêng cho bạn.
Mã giảm giá này sẽ có mức giảm sâu hơn mức giảm thông thường. Và đặc biệt là nó có thể là tên của bạn. Bạn hãy chủ động liên hệ Advertiser xem sao nhé.
Cảm ơn bạn, hay quá
cám ơn bạn nhiều nhé :)