Mục lục bài viết

Bài 4: Hướng dẫn cài đặt WordPress trên localhost với Xampp

Ở bài trước, bạn đã biết biết cách cài đặt localhost hoàn chỉnh. Nếu bạn chưa đọc bài trước thì quay trở lại đọc nhé.

Mặc định trong bài này mình hiểu là bạn đã hoàn thành bước cài đặt localhost rồi.

Bây giờ chúng ta sẽ tiến hành cài đặt WordPress trên localhost.

Như bài trước mình cũng đã nói chúng ta sẽ sử dụng máy tính của mình như là 1 hosting để học WordPress.

Nếu bạn đã có tên miền và hosting thì hãy bỏ qua bài này và chuyển ngay đến bài: … để tránh mất thời gian.

Các bước cài đặt WordPress trên localhost

Bước 1. Tải mã nguồn từ website WordPress.org

WordPress.org là website chính thống của mã nguồn WordPress.

Bất cứ khi nào cài đặt WordPress, bạn nên truy cập web này để tải. Tuyệt đối lưu ý không tải mã nguồn ở các trang khác nhé.

Đầu tiên bạn truy cập vào địa chỉ sau để tải mã nguồn WordPress mới nhất về máy tính: https://wordpress.org/latest.zip.

Trong bài này, mình hướng dẫn các bạn là WordPress phiên bản 4.9.6 và là bản mới nhất hiện tại. Các phiên bản tiếp theo bạn cũng làm tương tự.

Tiếp theo bạn giải nén file .zip vừa tải về và sẽ có 1 thư mục là “wordpress”.

Đây chính xác là thư mục chứa toàn bộ mã nguồn bạn chuẩn cài bên dưới đây.

Bạn hãy truy cập vào thư mục “wordpress”, trong đó chứa toàn bộ mã nguồn như hình sau:

Mã nguồn WordPress

Bước 2. Chuyển mã nguồn WordPress vào Localhost

Thư mục chứa mã nguồn trên Localhost nằm ở địa chỉ C:\xampp\htdocs\ (nếu không có gì thay đổi trong quá trình cài đặt khi bạn làm theo bài viết trước mình hướng dẫn).

Bây giờ bạn hãy giúp mình tạo 1 thư mục vothanhduy nằm trong thư mục htdocs.

Tiếp theo bạn copy toàn bộ mã nguồn đã giải nén ở bước 1 và dán vào thư mục vothanhduy vừa mới tạo. Bạn sẽ được như hình sau:

Bước 3. Tạo mới một cơ sở dữ liệu (database)

Để WordPress vận hành được thì cần phải có 1 database để chứa tất cả dữ liệu của nó.

Khi nói về website, chúng ta thường nói về mã nguồn và database. Bạn hãy ghi nhớ điều này nhé.

Nếu thiếu một trong hai WordPress sẽ không thể nào chạy được.

Để tạo database, bạn khởi động XAMPP và bấm vào 2 nút Start của Apache và MySQL như hình sau:

Nếu đã Start thành công, bạn sẽ thấy kết quả như hình:

Tiếp theo, bạn bấm vào nút Admin ở hàng MySQL để truy cập vào phpMyAdmin. Một tab mới sẽ tự động mở trên trình duyệt với giao diện như sau:

Bạn lưu ý là ở bài trước đã đổi port cho Localhost là 8080 rồi nhé. Mặc định bạn phải thêm port bằng tay để truy cập vào phpMyAdmin không bị báo lỗi.

Bước tiếp theo, bạn bấm vào nút Databases như hình để chuyển đến trang tạo database:

Tiếp theo, bạn nhập tên database, chọn utf8_unicode_ci và bấm vào nút Create như hình sau:

Lưu ý: Tên database bạn có thể đặt theo ý mình. Tuy nhiên, để theo dòng chảy của bài viết này thì bạn cứ đặt là vothanhduy nhé.

Sau khi bấm vào nút Create, trình duyệt tự chuyển về trang quản lý database vừa tạo như hình sau:

Nếu bạn thấy trang này tức là đã tạo database thành công. Tiếp theo chúng ta qua bước 4, cài đặt WordPress.

Bước 4. Cài đặt WordPress

Bạn truy cập vào đường dẫn: http://localhost:8080/vothanhduy để chuyển đến trang cài đặt WordPress.

Tại trang này, bạn chọn ngôn ngữ hiển thị là English (United States) và bấm nút Continue như hình:

Hiện tại WordPress đã hỗ trợ phiên bản tiếng Việt. Tuy nhiên, trong serie cơ bản này mình khuyên mọi người nên chọn bản gốc là tiếng Anh.

Rất nhiều thuật ngữ tiếng Anh bạn cần phải biết và phải nhớ để làm việc lâu dài với WordPress.

Nếu bạn dùng tiếng Việt ngay từ đầu, vô hình chung bạn sẽ không biết các thuật ngữ WordPress hay sử dụng và do đó bạn sẽ gặp khó khăn rất nhiều khi muốn tìm kiếm Google mà không biết phải tìm từ khóa gì để có câu trả lời thỏa đáng.

Lý do là vì cộng đồng WordPress trên thế giới sử dụng đa phần là tiếng Anh, còn cộng đồng WordPress tiếng Việt cũng có nhưng khá ít.

Ở bước tiếp theo, bạn bấm vào Let’s go như hình:

Bây giờ bạn sẽ nhập các thông tin để WordPress cài đặt, bao gồm: Database Name (tên cơ sở dữ liệu), User Name (tên đăng nhập MySQL), Password (mật khẩu đăng nhập MySQL) để trống nhé.

Còn 2 thông số còn lại bạn giữ nguyên như hình:

Bạn lưu ý ghi nhớ rằng trên Localhost, User Name của database luôn là root, mật khẩu trống và Database Host luôn luôn là localhost (viết thường).

Mình xin nhắc lại một lần nữa là bạn phải nhớ điều này.

Còn lại thông số cuối cùng là Table Prefix, mặc định giá trị của nó là wp_. Bạn không nên đổi giá trị này.

Mình sẽ có serie riêng về WordPress nâng cao sẽ giải thích cụ thể hơn về thông số này.

Tiếp theo, bạn bấm nút Submit để chuyển qua trang cuối cùng. Nếu ở bước này bạn thấy kết quả như hình tức là không có lỗi gì xảy ra.

Bạn chỉ việc bấm vào nút Run the install để cài đặt và pha ly cà phê ngồi uống (mà chắc là pha không kịp vì cài đặt chỉ mất vài giây).

Nếu kết quả không giống như hình thì bạn hãy bình luận ở cuối bài để mình hỗ trợ nhé.

Sau khi cài đặt hoàn tất, bạn sẽ được chuyển đến trang thiết lập các thông tin cơ bản của website.

Ở bước này bạn làm thật cẩn thận nhé. Các thông tin cụ thể bao gồm:

  • Site Title: tiêu đề của web
  • Username: tên đăng nhập vào trang quản trị web. Bạn đừng để là admin nhé. Đặt là admin rất dễ bị hacker dòm ngó vì tên đó quá thông dụng
  • Password: mật khẩu đăng nhập vào trang quản trị web.
  • Email: địa chỉ email của bạn. Rất quan trọng trong trường hợp bạn quên mật khẩu vào trang quản trị web
  • Search Engine Visibility: “Discourage search engines from indexing this site” là KHÔNG CHO PHÉP công cụ tìm kiếm như Google đọc được web của bạn. Bạn không nên check vào phần này.

Sau khi install, nếu bạn thấy Success tức là đã thành công. Bạn hãy bấm vào Log in để đăng nhập vào trang quản trị web.

Sau khi đăng nhập thành công, bạn sẽ thấy giao diện quản trị như hình sau:

Yeah, xin chúc mừng bạn đã cài đặt xong WordPress. Bạn hãy ngưng lại giây lát để lướt qua và tận hưởng vẻ đẹp tuyệt vời của nó nhé.

Bạn có phấn khích như mình không nào?

Vâng, đó là trang quản trị thôi.

Bây giờ bạn hãy thử mở tab trên trình duyệt vào gõ địa chỉ http://localhost:8080/vothanhduy để xem giao diện web của mình trông nó “hoành tráng” thế nào nhé:

Cũng đẹp phải không nào? Bạn đang thấy giao diện mặc định đơn giản nhất mà WordPress cài đặt sẵn.

Tất nhiên về sau serie bạn sẽ thấy những giao diện đẹp hơn.

Còn nếu bạn phấn khích quá thì hãy mở ngay Google và gõ tìm kiếm từ khóa “giao diện wordpress miễn phí” và bạn sẽ ngập tràn trong vô vàn giao diện tuyệt đẹp.

VÀ LỜI CUỐI CÙNG

CHÀO MỪNG BẠN CHÍNH THỨC ĐẾN VỚI THIÊN ĐƯỜNG WORDPRESS

Tips: Tổng hợp top 15 khóa học miễn phí về Kinh doanh online, Digital Marketing, MMO tại nền tảng KTcity

=> Khám phá ngay

Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x